Cuối tuần rồi, trong buổi Offline ICC Miền Nam (cảm ơn Maria Kiều Khanh và Thuận Hữu đã chọn một không gian quá tuyệt!), ba chữ "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" được decor nổi bật trong không gian tổ chức làm mình cứ ngó đến nó mãi.
Ai cũng biết đó là tiêu ngữ, nhưng với mình thì đó còn là một 'brief' truyền thông đỉnh cao.
Nhân sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm nay, xin viết mấy dòng mình học được từ các câu chuyện của Bác.
![]() |
'Độc lập - Tự do - Hạnh phúc' được quán decor trên tường. |
Ngay từ những ngày đầu, bên cạnh việc đào tạo thì Bác đã chú trọng công tác truyền thông, cả bên trong và bên ngoài.
Việc mở trường dạy cách mạng và xuất bản báo là để xây dựng đội ngũ và lan tỏa tư tưởng, truyền tải các thông điệp đến với nhân dân, tạo nên 'chiến tranh nhân dân' sau này, mọi việc Bác làm đều có mục tiêu và chiến lược rất rõ ràng cả.
Bác đã sáng lập, trực tiếp viết bài, biên tập nội dung, trình bày hình thức và phát hành 8 tờ báo chủ lực: Le Paria (Người cùng khổ), Thanh Niên, Công Nông, Lính Kách Mệnh, Thân Ái, Đỏ, Việt Nam Độc Lập và Cứu Quốc.
Tóm lại là truyền thông hay truyền thông nội bộ là công cụ hiệu quả để Bác vận động, tập hợp lực lượng, tổ chức thực hiện mục tiêu một cách nhanh chóng, sâu rộng và hiệu quả.
Nhưng quan trọng nhất, là mỗi đối tượng Bác lại có cách truyền thông phù hợp và dễ tiếp cận nhất, từ đó tạo ra kết quả tốt nhất để đạt được mục tiêu.
Case study 'Ngục trung nhật ký' (nhật ký trong tù) là một ví dụ, chúng ta đều biết là khi bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, thì bác dành hơn một năm ấy để...làm thơ, mà làm hẳn 134 bài nữa chứ.
Nhưng câu hỏi đặt ra, tại sao tập thơ này lại viết bằng tiếng Hán vào năm 1942, trong khi từ năm 1911 thì Bác đã sử dụng chữ quốc ngữ để viết truyền đơn, viết báo, thư từ và cả tài liệu cách mạng?
Câu trả lời mà mình thấy hợp lý nhất là do anh Nguyễn Thành Nam (nguyên TGĐ FPT) nghiên cứu về Bác và chỉ ra: Vì Bác bị giam ở Trung Quốc, bị canh bởi cai ngục chỉ biết tiếng Hán, và mục tiêu của Bác là tiếp cận và thuyết phục cấp cao cũng là người Trung Quốc.
Thế nên tóm lại, 'độc giả' của những bài thơ này chỉ biết tiếng Hán, nên phải 'truyền thông' làm sao cho họ hiểu cái đã, từ hiểu thì mới đến cảm được.
Bài học rút ra cho anh em mình, trước khi làm cái email, thiết kế cái poster hay tổ chức một chương trình, phải tự hỏi và thảo luận: Mục tiêu là gì? Nói/làm cho ai? Nói gì để họ hiểu và thấm?
![]() |
Những quyển sách nên đọc để rút ra nhiều bài học từ Bác |
Trở lại với "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc"
Ở phần đầu Nhật gọi là 'brief', nhưng nếu cụm này được viết ra thành một bản dài năm mười trang A4, với đủ các thuật ngữ triết học và cách mạng, thì liệu nó còn còn sức mạnh không? Chắc là không!
Chỉ 3 cụm từ, nhưng nó đã bao hàm đầy đủ cả về mục tiêu và thông điệp mà bất cứ ai trong thời đại ấy hay cả bây giờ cũng đều thấy cần và đều có thể hiểu rất rõ, từ người nông dân đến nhà tri thức, họ có thể hiểu theo cách của họ, nhưng sẽ chung một khát vọng với nhau mà không bị rào cản của học vấn hay giai cấp.
Và chính sự cô đọng ấy đã giúp truyền thông mạnh mẽ nhất, giúp bất cứ ai cũng trở thành người truyền thông tiếp theo, đem cụm từ này thành ý chí và thông điệp để truyền đi mạnh mẽ.
Còn anh em mình, chúng ta có đang nhồi nhét quá nhiều thông tin, thông điệp trong công việc truyền thông và hay trong một chương trình không?
Làm gì chúng ta cũng muốn nó thật nhiều hoạt động, nhiều nội dung nhưng thời lượng thì không nghĩ đến, người tiếp nhận thì thấy hoang mang, chưa hiểu chứ nói gì đến cảm nhận.
Less is more, để truyền thông ít nhưng hiệu quả, để những việc mình dày công làm, những nội dung truyền thông mình vắt não ra nghĩ tự nó có sức sống, lan tỏa mạnh mẽ.
Và để mỗi người tham gia chương trình, đọc tin truyền thông sẽ trở thành một 'du kích', tạo nên 'chiến tranh nhân dân'.
Bài dài rồi,
Vì mình còn đang là cháu ngoan Bác Hồ, còn đang đọc và học rất nhiều từ những câu chuyện của Bác, nên không giỏi để viết ngắn gọn xúc tích hơn.
Nhưng hôm nay nhân dịp sinh nhật Bác,
Xin mạo muội chia sẻ đến mọi người.
Chúc mừng sinh nhật Bác Hồ - người Thầy vĩ đại.
---
Tài liệu tham khảo:
---
Tài liệu tham khảo:
- Sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch", sách này của tác giả Trần Dân Tiên. Rất nhiều người thắc mắc sao tác giả này lại có thể biết rõ từng câu chuyện của Bác như thế, thậm chí có người cho rằng 'Trần Dân Tiên' chính là bút danh của Bác, Bác tự viết cuốn sách này.
- Sách: Ho Chi Minh a Life, của tác giả William J. Duiker - ông là người Mỹ nhưng lại nghiên cứu và tìm hiểu gần 30 năm về Bác Hồ để viết cuốn sách này. Ho Chi Minh a Life là cuốn sách phác họa lại chân dung Hồ Chí Minh một cách trung thực và rõ nét nhất so với những cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh đã xuất bản trong và ngoài nước.
- Bài viết 'Làm ăn kiểu Cụ Hồ' của anh Nguyễn Thành Nam đã viết từ năm 2021 https://funix.edu.vn/blog/nguyen-thanh-nam/lam-an-kieu-cu-ho
- Series podcast 'Làm giàu kiểu Cụ Hồ' rất hay của Spiderum và anh Nguyễn Thành Nam, trong đó anh Nam chia sẻ rất nhiều những nghiên cứu và 'đoán' của anh để rút ra rất nhiều bài học hay từ Bác.
Nhật Cắt